Viêm kết mạc hay còn được gọi là đau mắt đỏ. Bệnh xảy ra quanh năm và thường tăng cao vào khoảng thời gian từ đầu tháng 9 khi thời tiết có nhiều thay đổi thất thường. Bệnh có thể lây lan và phát tán trong không khí nên dễ bùng phát thành dịch. Vậy khi mắc viêm kết mạc bao lâu thì khỏi? Bệnh có thể gây ra biến chứng gì nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu điều đó ở bài viết dưới đây nhé!
Dấu hiệu và nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm kết mạc.
Nhân biết triệu chứng:
Dấu hiệu ban đầu để xác định rằng bản thân có bị mắc viêm kết mạc hay không đó chính là bị ho, đau họng, có thể sốt nhẹ và nổi hạch trước tai. Mắt thường bị đỏ một bên trước sau đó mới lây sang mắt còn lại, có nhiều ghèn dử nên sáng dậy rất khó mở mắt. Ghèn có màu vàng hoặc xanh tùy vào tác nhân gây bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh:
Theo các chuyên gia, bệnh viêm kết mạc chủ yếu do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng với một tác nhân lạ của môi trường gây ra ( có tới 40% các trường hợp mắc bệnh là do dị ứng). Virus Adeno là loại chủ yếu thường gây ra bệnh này. Con đường lây lan chính là ho, hắt hơi hay sử dụng chung những vật dụng cá nhân có dính dịch tiết của người bệnh như khăn mặt, bàn chải đánh răng…
Bị viêm kết mạc khi nào thì khỏi?
Viêm kết mạc là một dạng bệnh lành tính vì vậy có thể tự khỏi sau khoảng 2 tuần tùy từng trường hợp. Có những người bị 10 ngày đến bệnh viện khám mà mắt vẫn đỏ; điều trị cũng phải mất 1-3 tuần. Vì vậy, bệnh nhân cũng đừng quá sốt ruột.
Bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm bớt những triệu chứng khó chịu và hạn chế những biến chứng nguy hiểm. Khi mắc bệnh này, chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt hoặc chườm mắt với nước đá để bệnh mau khỏi hơn. Nếu đang đeo kính áp tròng thì nên ngưng sử dụng một thời gian để tránh viêm nhiễm. Hãy vệ sinh mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý có độ pH đạt chuẩn và tra kháng sinh khoáng 10 lần/ngày nếu là viêm kết mạc do vi khuẩn gây nên. Cần đến cơ sở y tế kịp thời nếu bệnh kéo dài và không có dấu hiệu hồi phục.
Viêm kết mạc có gây ra biến chứng nguy hiểm nào không?
Đây là một bệnh không nguy hiểm và cũng ít gây ra biến chứng. Một vài biến chứng thường gặp là viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc sâu, sưng viêm túi lệ… nó có thể gây ra hiện tượng lông quặm, sẹo giác mạc, khô mắt và suy giảm thị lực.
Theo thống kê tại Bệnh viện Mắt Trung ương, vào mùa cao điểm, mỗi ngày có khoảng gần 400 bệnh nhân đến khám và điều trị về đau mắt đỏ. Bệnh lây lan rất nhanh nên có nhiều gia đình cả nhà đều bị bệnh. Vì vậy nếu không muốn nghỉ làm, nghỉ học thì chúng ta cần phải có phương pháp phòng bệnh khoa học.
Lưu ý để tránh biến chứng chúng ta cần phải biết những điều sau:
- Không nên tự ý pha nước muối loãng để rửa mắt vì nồng độ muối không phù hợp có thể gây bỏng rát mắt.
- Chúng ta nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được điều trị, dùng thuốc đúng cách không tự ý chữa bệnh.
- Tránh đến nhưng nơi công cộng có nhiều người để lây lan và nhiễm bệnh cho người khác.
- Ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần. Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
.